|
|
|
|
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và một phần thành phố Hồ Chí Minh, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh và một phần tỉnh Đồng Nai. Tỉnh Bình Dương có diện tích tự nhiên là 2.694,43 km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ); dân số 1.802.500 người; 09 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm: thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An, thị xã Thuận An, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và các huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo) và 91 đơn vị hành chính cấp xã (48 xã, 41 phường, 02 thị trấn).
|
Từ khi tái thành lập tỉnh (01.01.1997 từ tỉnh Sông Bé thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước), Bình Dương đã biến vùng đất thuần nông, khô cằn, kém hiệu quả trở thành những khu, cụm công nghiệp trọng điểm của cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 10.000ha. Trong đó có những khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường như VSIP 1, 2, Mỹ Phước, Đồng An, …. Nhiều khu đô thị và dân cư mới văn minh, hiện đại được hình thành, trong đó tiêu biểu nhất là thành phố mới Bình Dương với điểm nhấn là Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 20/02/2014.
|
Định hướng phát triển đến năm 2020 Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế (nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp - dịch vụ tương ứng 2,3% - 55,5% - 42,2%), cơ cấu lao động theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ (nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp - dịch vụ tương ứng 10% - 45% - 45%). Tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cụ thể giai đoạn 2006 – 2020 tốc độ tăng trưởng bình quân các ngành, lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp - dịch vụ hằng năm tương ứng 3,4% - 14,5% - 16%; chú trọng phát triển dịch vụ nhà ở, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe. Hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá và tạo ra sự phát triển cân đối, bền vững giai đoạn sau năm 2015. Xây dựng Bình Dương thành một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, toàn diện đảm bảo mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Một số định hướng phát triển văn hóa-xã hội cụ thể: tỷ lệ thất nghiệp 4%, lao động qua đào tạo trên 70%, không còn trẻ em suy dinh dưỡng, tuổi thọ trung bình 80, số cán bộ y tế/vạn dân là 55 (trong đó có 30 bác sĩ), ít nhất 01 trường trung học cơ sở ở mỗi xã, phường.
|
Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương Với quy mô và cơ cấu dân cư, phân bổ dân cư của tỉnh đã thay đổi lớn, rất đa dạng so với trước đây với số lượng gần 1 triệu công nhân lao động và hàng ngàn nhân dân cùng các chuyên gia nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, quy mô về cơ cấu của hạ tầng kinh tế kỹ thuật Bình Dương ngày càng lớn và đa dạng với hàng trăm tuyến đường giao thông, hàng chục mạng lưới viễn thông nối kết tỉnh với nhiều cảng biển và sân bay quốc tế, liên kết Bình Dương với nhiều trung tâm kinh tế khu vực và thế giới, gắn kết nền kinh tế Bình Dương vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tất cả đang đòi hỏi phải có một nền hành chính tập trung, năng động và đủ năng lực tương xứng.
|
Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh là bước đầu đáp ứng những đòi hỏi đó để từng bước hình thành nền hành chính công tập trung, năng động thân thiện và phục vụ có hiệu quả các yêu cầu hành chính của doanh nghiệp và nhân dân. Mặt khác, sẽ sử dụng lại được hàng trăm ngàn mét vuông đất đô thị hiện tại của 58 cơ quan hành chính của các sở, ngành sau khi di dời vào Trung tâm Hành chính tập trung để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương sẽ phát huy vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng năng động, hiện đại, góp phần thực hiện cải cách hành chính, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh gồm 2 tòa nhà liên thông 21 tầng và 2 tầng để xe có diện tích 104.000 m2, được đầu tư xây dựng theo phương thức BT, không sử dụng vốn mới ngân sách nhà nước, bố trí nơi làm việc của 58 cơ quan bao gồm: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan Đảng, đoàn thể chính trị xã hội, các sở và các chi cục thuộc sở. Trang thiết bị, phương tiện làm việc được trang bị mới, hiện đại, thống nhất, đồng bộ, quy định về tổ chức, quản lý và vận hành tòa nhà hành chính đã được ban hành phục vụ cho việc vận hành thông suốt của Tòa nhà. Điểm nhấn của Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh là Trung tâm Hành chính công tại tầng 1 Trung tâm Hành chính tập trung có nhiệm vụ vận hành, quản lý, điều phối hoạt động tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của các sở ban ngành, ứng dụng công nghệ thông tin…
|
Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương Hướng tới một nền hành chính hiện đại, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh. Đồng thời cải thiện lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương nhanh và bền vững. Với những mục tiêu đó, tỉnh đã quyết định thành lập Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương tại Quyết định số 4288/QĐ-UBND ngày 24/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh để hình thành một tổ chức chuyên trách thực hiện những mục tiêu cải cách hành chính của tỉnh.
|
Để thực hiện những mục tiêu đã đề ra, Trung tâm Hành chính công được tỉnh và Sở Nội vụ giao thực hiện một số nhiệm vụ sau: 1. Tham mưu cải cách thủ tục hành chính; tổ chức hoạt động Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả (sau đây gọi tắt là bộ phận một cửa) các cấp; ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính. 2. Tổ chức, bố trí vị trí làm việc; điều hòa, theo dõi, giám sát, đôn đốc tại bộ phận một cửa của các sở, ngành. 3. Công bố, niêm yết công khai, hướng dẫn thủ tục, quy trình giải quyết thủ tục hành chính; Thu thập, lấy ý kiến của công dân và tổ chức về sự hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Đề xuất xử lý những phản ánh, kiến nghị của tổ chức và công dân đối với hoạt động giải quyết thủ tục hành chính và đối với công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa. 4. Phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; Quản lý thời gian, lề lối làm việc, thái độ ứng xử và việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa. 5. Đề xuất các giải pháp đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO vào hoạt động giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa. Trực tiếp quản lý, vận hành phần mềm đáp ứng yêu cầu quản lý tại khu một cửa, tiến tới kết nối liên thông với bộ phận một cửa cấp huyện. 6. Tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động bộ phận một cửa (photo, in ấn, đánh máy, căn tin…). Nhằm thực hiện tốt mục tiêu và nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức, viên chức Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Dương sẽ phục vụ một cách tốt nhất. Đồng thời, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân và doanh nghiệp để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm của cá nhân và tổ chức. Lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo trong chuẩn mực hoạt động và phục vụ để ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn. |
|
|
|
|
|
|
|